A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về quê Bác

  Về quê Bác

Ngày 21 tháng 6 năm 2015, được sự nhất trí của trường Chính trị Nguyễn Văn Linh,  lớp TCCT-HC K50 huyện Phù Cừ đã tổ chức cho học viên đi thăm quan- học tập thực tế tại Nghệ An- quê Bác.

        Chúng tôi đến làng Chùa - quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi Người cất tiếng khóc chào đời và được mẹ nuôi dạy trong những năm ấu thơ. Sau lũy tre xanh bình dị, ngôi nhà tranh tre 3 gian đơn sơ nhuốm màu thời gian cùng hàng rào dâm bụt được cắt tỉa gọn gàng và hàng cau xanh thẳng tắp. Phía sau ngôi nhà có cây mít trên 100 năm nhưng vẫn còn sai quả

Ngắm nhìn và nghe hướng dẫn viên giới thiệu những kỷ vật thân thương gắn với cuộc sống, sinh hoạt bình dị của Bác một thời, nhiều người xúc động không cầm được nước mắt. Tôi bùi ngùi nhớ câu thơ Bác ứng tác khi về thăm quê sau 50 năm xa cách:

Quê hương nghĩa trọng, tình cao
Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình ..."

         Rời “làng Chùa quê mẹ”, chúng tôi đến “làng Sen quê Cha”, tên chữ là Kim Liên (bông sen vàng). Làng có nhiều hồ thả sen suốt hai bên đường. Những ao sen ngào ngạt hương thơm. Ngôi nhà Bác sống thuở nhỏ dựng bằng tre, gỗ 5 gian lợp tranh. Trong nhà có những đồ dùng giống như các gia đình nông dân: phản gỗ, chõng tre, võng gai, bàn thờ... Tất cả toát lên vẻ thanh tao, nho nhã, gần gũi và thân thương. Nhà được dựng năm 1901 do công sức và tiền của dân làng góp lại làm tặng ông Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Bác khi ông Sắc đỗ phó bảng đem lại vinh dự cho cả làng. Chúng tôi bồi hồi khi nghe câu hát: “Đi khắp phương trời vẫn nhớ tới quê hương/ Người về đây thăm làng Chùa quê mẹ và làng Sen quê cha/ Xúc động bồi hồi Người rơi giọt lệ…” làm vương vấn bước chân ai khi về thăm quê Bác…                         

Giọng chị hướng dẫn viên tha thiết như điệu hò xứ Nghệ, trìu mến như khúc hát ru bên nôi. Chúng tôi im lặng, lắng nghe lời kể của hướng dẫn viên, đoàn chúng tôi ai cũng ghi chép chi tiết những thông tin về thân thế và sự nghiệp của Bác. Phải chăng, miền quê khổ nghèo, nhưng nghĩa tình và giàu truyền thống yêu nước cộng với những ưu việt trong lối giáo dục gia đình nhân bản ấy đã hình thành nên nhân cách một con người vĩ đại? Và phải chăng, tất cả những điều vĩ đại, đều chứa đựng trong mình những gì gần gũi, bình dị nhưng thấm đậm hồn quê hương? Từng gốc tre hồn hậu đến bờ hoa dâm bụt thắm đỏ, từng hàng cau vươn mình trong nắng đến những mái lá đơn sơ... tất cả đều thấm hồn dân tộc, đều gợi lên trong sâu thẳm trái tim mỗi người niềm tự hào thành kính về một cuộc đời, về một nhân cách giản dị mà vĩ đại...

        Chuyến hành hương về vùng đất Nghệ An đối với chúng tôi, những học viên của lớp Trung cấp Lí luận chính trị -hành chính Phù Cừ   để lại trong lòng các học viên nhiều cung bậc cảm xúc, hun đúc thêm tình yêu quê hương xứ sở, giúp chúng tôi hiểu hơn về lịch sử đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi nguyện học tập thật tốt và bồi dưỡng lý tưởng sống cao đẹp theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh và tiếp nối truyền thống tốt đẹp mà bao thế hệ tiền nhân đã dày công xây dựng, cho non nước Việt Nam mãi mãi thanh bình và tươi đẹp

II. Khái quát thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho, yêu nước, tại làng Hoàng Trù (còn gọi là Làng Chùa), xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường chống ách thống trị của thực dân phong kiến. Thân phụ là Nguyễn Sinh Sắc, thân mẫu là Hoàng Thị Loan.             

 Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời trong sáng cao đẹp của một người cộng sản vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, vì độc lập, tự do của các dân tộc, vì hòa bình và công lý trên thế giới.

Từ lúc sinh ra đến 5 tuổi, Nguyễn Sinh Cung (tên Bác Hồ hồi nhỏ) sống trong sự chăm sóc đầy tình thương yêu của gia đình, đặc biệt là ông bà ngoại. Năm 1895, Nguyễn Sinh Cung lại theo gia đình vào sống ở Huế. Đầu năm 1901, sau khi mẫu thân qua đời, Nguyễn Sinh Cung lại theo cha trở về Nghệ An, rồi lấy tên Nguyễn Tất Thành, tích cực học chữ Hán và còn theo cha đi một số nơi, học thêm nhiều điều. Năm 1906, Nguyễn Tất Thành lại theo cha vào Huế, thoạt đầu học trường Pháp-Việt , sau học trường Quốc học Huế. Khoảng cuối năm 1909, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Bình Định, tháng 8/1910 vào Phan Thiết, làm giáo viên trường Dục Thanh. Tháng 2/1911, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn.

Hoàn cảnh xã hội và sự giáo dục của gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến Người ngay từ thời niên thiếu. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, thương dân sâu sắc, sự nhạy bén về chính trị, Người đã bắt đầu suy nghĩ về những nguyên nhân thành bại của các phong trào yêu nước lúc bấy giờ và quyết tâm ra đi tìm con đường để cứu dân, cứu nước. Ngày 5/6/1911 với tên gọi mới là Văn Ba, Người lên tàu Amiran Latuso Tơrêvin, rời bến cảng Nhà Rồng đi Mácxây (Pháp). Suốt 30 năm hoạt động ở nước ngoài, Người đã đi đến nước Pháp và nhiều nước châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ. Người hòa mình với những phong trào của công nhân và nhân dân các dân tộc thuộc địa, vừa lao động kiếm sống, vừa học tập, hoạt động cách mạng và nghiên cứu các học thuyết cách mạng. Năm 1917, thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga và sự ra đời của Quốc tế Cộng sản đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ đây, Người đã nhận rõ đó là con đường duy nhất đúng đắn để giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp.

Năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp và hoạt động trong phong trào công nhân Pháp. Tháng 6 năm 1919, thay mặt Hội Những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người gửi tới Hội nghị Versailles (Pháp) Bản yêu sách của nhân dân An Nam, yêu cầu Chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam .

Tháng 12 năm 1920, tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp tại thành phố Tours, Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa cộng sản.

Năm 1921, tại Pháp, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, nhằm tuyên truyền cách mạng trong nhân dân các nước thuộc địa. Người viết nhiều bài đăng trên các báo “Người cùng khổ”, “Đời sống thợ thuyền” ... Đặc biệt, Người viết tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” lên án mạnh mẽ chế độ thực dân, thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân các nước thuộc địa. Tất cả các bài viết của Người đều được bí mật chuyển về nước và lưu truyền trong mọi tầng lớp nhân dân.

Ngày 30/6/1923, Người đến Liên Xô và bắt đầu một thời kỳ hoạt động, học tập và nghiên cứu về chủ nghĩa Mác – Lênin, về chế độ xã hội chủ nghĩa ngay trên đất nước Lênin vĩ đại. Tại Đại hội lần thứ I Quốc tế Nông dân (10/1923), Người được bầu vào Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân. Năm 1924, Người dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được cử làm cán bộ Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản, đồng thời là Ủy viên Đoàn chủ tịch Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc được giao theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước Châu Á .

Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông, sáng lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra báo Thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về trong nước, đồng thời mở lớp đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam.

Ngày 3/2/1930, tại Cửu Long (Hồng Kông), Người triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước, thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ năm 1930 đến năm 1940, Người tham gia công tác của Quốc tế Cộng sản ở nước ngoài, đồng thời theo dõi sát phong trào cách mạng trong nước và có những chỉ đạo đúng đắn cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta.

Sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, năm 1941 Người về nước, triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám, quyết định đường lối đánh Pháp, đuổi Nhật, thành lập Mặt trận Việt Minh, gấp rút xây dựng lực lượng vũ trang, đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng quần chúng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Thực hiện chỉ thị của Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Sam Cao, thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy.

Những năm 1945-1946, Người cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, đối phó với thù trong, giặc ngoài, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, tổ chức Tổng tuyển cử trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam.

Tháng 8 năm 1945, Người cùng Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng và chủ trì Đại hội Quốc dân ở Tân Trào. Đại hội tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh, cử Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thay mặt Chính phủ lâm thời, Người đã phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên Tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân lao động. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người tuyên bố trước nhân dân cả nước và nhân dân thế giới quyền độc lập của dân tộc Việt Nam.

Tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp câu kết với đế quốc Mỹ, Anh và lực lượng phản động Quốc dân Đảng (Trung Quốc) trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Quân đội Pháp mở rộng đánh chiếm miền Nam và lấn dần từng bước kéo quân đánh chiếm miền Bắc, âm mưu tiến tới xóa bỏ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 9/1/1946, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lần đầu tiên trong cả nước. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, Người được bầu làm Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Tháng 12 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Người tiếp tục cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đưa miền bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hiệp định Géneva được ký kết. Miền Bắc được giải phóng. Miền Nam bị đế quốc Mỹ xâm lược biến thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Người cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

Miền Bắc được giải phóng, nhưng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai thực hiện âm mưu chia cắt đất nước ta lâu dài, biến nơi đây thành thuộc địa kiểu mới. Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đại hội lần thứ III của Đảng năm 1960 đã bầu lại Chủ tịch Hồ Chí Minh làm chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Quốc hội khóa II, khóa III bầu Người là làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tháng 9 năm 1960, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng Lao động Việt Nam, Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Người, nhân dân ta vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Năm 1964, đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam. Người động viên toàn thể nhân dân Việt Nam vượt qua khó khăn gian khổ, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Người nói:“Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do! Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Từ năm 1965 đến năm 1969, cùng với Trung ương Đảng, Người tiếp tục lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện sự nghiệp cách mạng trong điều kiện cả nước có chiến tranh, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước.

Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra đường lối đúng đắn, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc thắng lợi; đặt nền móng và không ngừng vun đắp tình hữu nghị giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc trên thế giới, giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế.

Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để lại muôn vàn tiếc thương cho toàn Đảng, dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng ngời cho chúng ta học tập. Tên tuổi của Người đã đi vào lịch sử cách mạng thế giới như là người khởi xướng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa trong thế kỷ XX.

Trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho nhân dân Việt Nam bản Di chúc lịch sử. Người viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Thực hiện Di chúc của Người, toàn dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Pari ngày 27 tháng 1 năm 1973, chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam. Mùa xuân năm 1975, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân Việt Nam đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thực hiện được mong ước thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tu vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Người đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, sáng lập Đảng Mác- Lênin ở Việt Nam, sáng lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, sáng lập Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Người luôn luôn kết hợp chặt chẽ cách mạng Việt Nam với cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Người là tấm gương đạo đức cao cả, cần, kiệm,liêm, chính, chí công. vô tư, vô cùng khiêm tốn, giản dị

Các nhà nghiên cứu trong nước và thế giới đã và đang bàn đến văn hoá chính trị Hồ Chí Minh, văn hoá đạo đức Hồ Chí Minh. Thế giới có nhiều thay đổi và có nhiều đổi thay trong thế giới. Nhưng vẫn còn vẹn nguyên những giá trị không hề thay đổi. Trong những giá trị trường tồn đó, có di sản tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là: nhân đạo và hoà bình Tổ quốc;  nhân loại dân chủ và nhân văn tự do hạnh phúc; tinh thần yêu nước và chủ nghĩa dân tộc chân chính; đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vôtư...
          Với những cống hiến xuất sắc cho dân tộc và cho nhân loại tiến bộ, năm 1990, Nhân kỷ niệm 121 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 21 năm Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận Hồ Chí Minh là: “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất”.

Trải qua cuộc đời hoạt động cách mạng hơn 60 năm đầy bản lĩnh, bất khuất, kiên cường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội - giai cấp và giải phóng con người; cho sự nghiệp dựng Ðảng và dựng nước, kháng chiến và kiến quốc, đấu tranh cho tự do và xây đắp cho tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời cao đẹp, trong sáng và giản dị của lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh mãi mãi như vì sao sáng lấp lánh trên bầu trời Việt Nam và nhân loại.

 

       Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, hội nhập với thế glới, tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Phát huy những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của dân tộc qua hơn 20 năm đổi mới, trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh thời đại, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

III-Nhận thức của bản thân sau chuyến thăm quan thực tế.

Ngày ngày, từ muôn phương từng đoàn xe nối đuôi nhau về thăm quê Bác, thắp nén hương thơm trước anh linh của Người mà rưng rưng dòng lệ. Đã bao năm Bác đi xa nhưng tình cảm của con cháu vua Hùng dành cho Bác vẫn vẹn nguyên, sâu sắc. Cả cuộc đời, Người đã hy sinh tất cả cho độc lập tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của Nhân dân.  Không biết dùng từ ngữ nào để diễn tả những cung bậc cảm xúc mà muôn dân tôn kính khi nghĩ về công đức của Bác. Mỗi khi nhớ về Người, mỗi khi nghe những câu chuyện về Người, mỗi khi được giới thiệu về quê hương, gia đình và thời niên thiếu của Người trong tôi lại trào dâng những cảm xúc mãnh liệt. Những thước phim về Bác xem bao lần vẫn rơi nước mắt, những áng văn thơ về Bác qua bao tháng năm vẫn sống mãi với thời gian. Tình cảm dành cho Bác luôn nằm đâu đó trong triệu triệu trái tim con người Việt Nam theo nhiều cách khác nhau, bình dị, hiền hòa trong sáng. Bác ơi!  

 Sau chuyến thực tế đến giờ tôi vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc bồi hồi, kính yêu và ngưỡng mộ Người: "Nhớ về Bác lòng con trong sáng hơn”. Giữa bao biến động của cuộc đời, mỗi ngày tôi trưởng thành hơn lên, tôi lại càng tin yêu và kính trọng Bác – Vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam. Hòa trong dòng cảm xúc của muôn triệu người con đất Việt, tôi nguyện  không ngừng học tập và rèn luyện về phẩm chất đạo đức cánh mạng, phấn đấu vươn lên vì mục tiêu lý tưởng của Đảng, vì nền độc lập của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chi Minh theo các chuyên đề hàng năm, gương mẫu đi đầu trong mọi lĩnh vực công tác và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, góp phần đưa quê hương Phù Cừ ngày càng  giàu đẹp, văn minh, xứng đáng là người đảng viên cộng sản Việt Nam./.

 

 


Tác giả: TTMH
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết